Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa VIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, bảo đảm sự đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Krông Năng đã tập trung cao độ cho công tác lập quy hoạch của huyện, với khung định hình rõ nét về không gian và các định hướng phát triển.
Định hình rõ nét không gian và định hướng phát triển
Huyện Krông Năng đã xác định cụ thể định hướng phát triển của địa phương là tập trung nguồn lực để tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững; ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ cột cho nền kinh tế của huyện. Tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp. Qua đó, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn tìm hiểu về sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Krông Năng. Ảnh: Thế Hùng |
Để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ, nhanh và bảo đảm tính bền vững, huyện đang tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục kêu gọi đầu tư, nhất là những dự án lớn như: Cụm công nghiệp Krông Năng (tại xã Phú Xuân, diện tích 75 ha, dự kiến tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng 170 tỷ đồng); Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (tại thị trấn Krông Năng, diện tích 2,86 ha); Khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung (tại xã Phú Lộc và xã Ea Hồ, diện tích 235 ha; tại xã Dliêya, diện tích 87 ha); Chợ Ea Tóh (tại xã Ea Tóh, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng); Khu trung tâm hành chính mới xã Dliêya (diện tích 11,78 ha); Khu trung tâm hành chính huyện (diện tích 70,91 ha)… Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư…
Đồng thời, chú trọng phát triển dịch vụ du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp, du lịch sinh thái; du lịch văn hóa gắn liền với thiên nhiên và bản sắc văn hóa của các dân tộc. Với định hướng này, bên cạnh phát huy nội lực và tiềm năng từ sự đa dạng, độc đáo của văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn, huyện đã tích cực triển khai công tác thu hút đầu tư đối với điểm du lịch thác Thủy Tiên (xã Ea Púk, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng), kết hợp với du lịch cộng đồng, trải nghiệm các sản phẩm nông nghiệp…
Diện mạo huyện Krông Năng đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Vạn Tiếp |
Theo Bí thư Huyện ủy Krông Năng Nguyễn Thị Thu An, huyện xác định một trong những khâu đột phá quan trọng là quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo định hướng quy hoạch và xu thế phát triển xã hội, nhất là phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các huyện trong khu vực và giữa các xã trên địa bàn huyện.
Bước đột phá này đang cho thấy hướng đi đúng đắn của huyện Krông Năng khi mà tính đến hết tháng 7/2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt hơn 83 tỷ đồng (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023); huy động vốn đầu tư toàn xã hội gần 1.200 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 91% tổng diện tích cần cấp; toàn huyện đã đạt 148/209 tiêu chí nông thông mới (bình quân 13,45 tiêu chí/xã), trong năm 2024, huyện phấn đấu có thêm xã Ea Tân về đích nông thôn mới…
Nỗ lực thực hiện các giải pháp khả thi
Về giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế của địa phương, Bí thư Huyện ủy Krông Năng Nguyễn Thị Thu An chia sẻ, huyện sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào một số cây thế mạnh của huyện như cà phê, mắc ca, sầu riêng, tiêu… Nghiên cứu đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng các mô hình trình diễn, thực hiện các đề tài nghiên cứu, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả và sử dụng hợp lý tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, khoáng sản, rừng, bảo đảm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên của địa phương; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất đai, nhất là đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, triển khai thực hiện phương án quản lý, sử dụng đất tổng thể đối với diện tích đất lâm nghiệp có nguồn gốc thu hồi từ Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, các công ty nông nghiệp và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý sau khi UBND tỉnh phê duyệt.
Cây mắc ca là một trong những nông sản nổi tiếng của huyện Krông Năng. Ảnh: Thế Hùng |
Hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tiếp tục phê duyệt quy hoạch chung xây dựng các xã còn lại. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện; triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024 và những năm tiếp theo theo quy định; chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục đấu thầu để khởi công các dự án đầu tư mới. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; các nhà thầu không đủ năng lực thực hiện dự án. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, vận tải; bảo đảm giải phóng mặt bằng để thi công các tuyến đường thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo cơ chế thông thường, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình 1719…
Giang Nam
Theo: https://baodaklak.vn